Gói tín dụng 120 nghìn tỷ: Ngân hàng ngóng dự án

8:24 | 04/05/2023

Các ngân hàng hiện đã chuẩn bị xong về nguồn vốn, tuy nhiên, danh sách, danh mục dự án thuộc diện được vay thì vẫn đang chờ Bộ Xây dựng rà soát công bố.

Hình minh họa, nguồn: Internet.

Gói hỗ trợ trị giá 120 nghìn tỷ dành cho phân khúc nhà ở xã hội là một trong những chính sách thiết thực được chờ đợi trong nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ người dân cải thiện chỗ ở và an sinh xã hội.

Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ triển khai gói tín dụng này bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank.

Lãi suất thay đổi 6 tháng/lần và từ nay đến 30/6, lãi suất với chủ đầu tư sẽ là 8,7%/năm còn lãi suất với người mua nhà là 8,2%, thấp hơn từ 1,5 – 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn thông thường của 4 ngân hàng thương mại nhà nước.

Thời gian ân hạn 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người mua nhà. Thời hạn giải ngân khá dài, từ ngày 1/4/2023 đến hết tháng 12/2030.

Các NHTM sẽ tự huy động nguồn vốn của mình để cho vay chương trình trên. NHNN cho biết, sẵn sàng cho phép các ngân hàng khác tham gia, với điều kiện tuân thủ hướng dẫn của cơ quan quản lý.

Được biết, ngay đầu tháng 4, NHNN đã có văn bản tới các NHTM và chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phố để nhanh chóng đưa gói tín dụng vào giải ngân. Cho tới thời điểm hiện tại, đã có 2 thành viên công bố triển khai là Agribank và Vietcombank.

Ngân hàng đã sẵn sàng

Theo NHNN, để được vay vốn với lãi suất 8,2-8,7%/năm từ gói 120 nghìn tỷ đồng, khách hàng phải đáp ứng được những quy định hiện hành.

Thứ nhất là khách hàng phải đáp ứng được các điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng, đồng thời, phải đáp ứng các quy định vay vốn hiện hành của các NHTM.

Đối tượng được hưởng chính sách vay, mua nhà ở xã hội theo quy định gồm người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, cán bộ sĩ quan trong lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.

Một tiêu chí quan trọng nữa là tất cả các đối tượng trên đồng thời phải chưa có nhà ở và chưa có thu nhập đến mức phải đóng thuế thu nhập thường xuyên.

Được biết, các ngân hàng hiện đã chuẩn bị xong về nguồn vốn, tuy nhiên, danh sách, danh mục dự án thuộc diện được vay thì vẫn đang chờ Bộ Xây dựng rà soát công bố.

“Những vướng mắc về vấn đề vốn thì trong thời gian qua chúng tôi đã giải quyết được rồi. Chúng tôi mong muốn các vướng mắc khác, đặc biệt là vướng mắc về pháp lý của các dự án liên quan đến các chủ đầu tư cần sớm được tháo gỡ. Trên cơ sở đó các ngân hàng mới có thể thẩm định và cho vay”, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết.

Cần sớm công bố dự án được hưởng ưu đãi

Đánh giá về gói tín dụng 120 nghìn tỷ, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, chương trình sẽ giúp thị trường tiếp cận dòng tiền để kích hoạt lại các hoạt động phát triển kinh tế, sản xuất, đặc biệt là các dự án phù hợp với nhu cầu xã hội.

“Suốt kể từ giữa năm 2022 đến nay nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng gặp một điểm nghẽn cơ bản là dòng tiền và nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, trong đó, có nhà ở dành cho các đối tượng chính sách. Chúng tôi cho rằng, tại thời điểm này nếu được kích hoạt, chương trình sẽ tạo ra sản phẩm vừa túi tiền và có thanh khoản tốt trên thị trường”, ông Đính nói.

Ở một góc nhìn khác, GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, chúng ta phải đưa ra những cơ chế phù hợp, để những người nào thực sự có nhu cầu mới tiếp cận nhà ở xã hội.

“Với những người có động cơ mua để trục lợi, ví dụ mua đi, bán lại hoặc chờ đầu cơ, chúng ta phải có công cụ để điều tiết hành vi đó”, TS Cường nói.

Về phía các doanh nghiệp, theo phản ánh, bên cạnh nguồn vốn, việc giải quyết khó khăn về mặt thủ tục pháp lý, quỹ đất để triển khai các dự án cần được đẩy nhanh hơn, tháo gỡ thần tốc hơn, để tăng nguồn cung nhà ở. Như vậy, tiến độ giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ nhanh hay chậm đang phụ thuộc vào danh mục, danh sách dự án mà Bộ Xây dựng đang phối hợp với các địa phương công bố trong thời gian tới.

Theo Thời Đai

Đọc nhiều nhất

Bài viết được chọn

Từ Nông Trại tới Bàn Ăn: Tương lai bền vững với Nông nghiệp Hữu cơ theo tiêu chuẩn của Châu Âu

Giống như nhiều nơi trên thế giới, nhu cầu của người Việt Nam đối với thực phẩm hữu cơ đang tăng lên. Làm thế nào nông nghiệp hữu cơ đang đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng? Một cái nhìn cận cảnh về tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ tại châu Âu sẽ […]